Rung nhĩ là một trong những chứng bệnh rối loạn nhịp tim rất thường gặp. Đặc biệt hay mắc ở những người lớn tuổi và có bệnh nền về tim mạch. Hình thái của bệnh là chứng rối loạn nhịp nhanh và là nguyên nhân chính của tai biến mạch máu não, suy tim. Gây ra những biến chứng nghiêm trọng, nặng hơn tàn phế suốt đời thậm chí là tử vong nếu không biết các phòng ngừa mà chữa trị sớm.
Chứng bệnh nguy hiểm này gây ra khoảng 5% các trường hợp đột quỵ mỗi năm. Trong đó là hững trường hợp suy tim kèm theo rung nhĩ có tỷ lệ tử vong tăng hơn đến 34%. Sau đây là những thông tin về chứng bệnh này để nhận biết bệnh và phòng ngừa.
Table of Contents
Thế nào là rung nhĩ?
Bình thường ở người khi nghỉ nhịp tim từ 60-100 lần/ phút. Rung nhĩ làm cho hai ngăn trên của tim (tâm nhĩ) rung lên với tần số trên 350 chu kì/ phút, đập hỗn loạn không đều và không phối hợp nhịp nhàng với hai ngăn dưới (tâm thất). Điều này làm cho dòng máu lưu chuyển không tốt sẽ gây suy tim.
Máu cũng có thể bị tích tụ, quẩn lại trong tâm nhĩ và hình thành cục máu đông, nếu cục máu đông rời khỏi tâm nhĩ và bị kẹt trong não có thể gây đột quỵ. Ngoài biến chứng đột qụy, rung nhĩ còn là nguyên nhân dẫn đến suy tim, bệnh cơ tim, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau ngực.
Nguyên nhân gây ra rung nhĩ
Bất kỳ một nguyên nhân nào ảnh hưởng đến quá trình phát nhịp và dẫn truyền xung động đều có thể đưa đến rung nhĩ. Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim thường gặp nhất trên lâm sàng. Vai trò chủ nhịp của nút xoang bị biến mất, thay vào đó là sự phát xung từ nhiều điểm ở hai buồng nhĩ, tạo nên rung tâm nhĩ. Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến rung nhĩ đã được liệt kê và đề cập nhiều.
Các đối tượng được chẩn đoán dễ mắc bệnh
Với những người bình thường, không có bệnh lý nào khác cũng có thể bị rung nhĩ nhưng với tỷ lệ thấp. Những đối tượng có nguy cơ mắc rung nhĩ cao hơn bao gồm:
- Những người trên 60 tuổi.
- Có bệnh tim mạch: tăng huyết áp, bênh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, tiền sử phẫu thuật tim.
- Bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, béo phì.
- Bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính.
- Lạm dụng rượu và sử dụng thuốc kích thích.
- Tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh nội khoa nặng.
Biểu hiện của bệnh rung nhĩ
- Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng.
- Hồi hộp đánh trống ngực (thình thịch, rộn ràng trong ngực).
- Cảm giác nhịp tim nhanh và không đều, lúc nhanh lúc chậm.
- Hụt hơi.
- Đi tiểu thường xuyên hơn.
- Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu.
- Vã mồ hôi.
- Đau, tức ngực.
Những cách phát hiện và chẩn đoán bệnh
- Điện tim đồ.
- Holter điện tim: theo dõi nhịp tim trong khoảng 1-7 ngày.
- Siêu âm tim: đánh giá tình trạng van tim, kích thước các buồng tim, huyết khối buồng tim, chức năng co bóp của tim.
- Xét nghiệm máu: có thể chỉ ra nguyên nhân rung nhĩ như tình trạng nhiễm trùng, các vấn đề về tuyến giáp, chức năng thận và đường máu, các dấu hiệu của cơn đau tim…
Những phương pháp để điều trị rung nhĩ
Nhằm 3 mục tiêu: giảm tần số thất, chuyển rung nhĩ về nhịp xoang và dự phòng huyết khối. Người bệnh có thể được dùng các thuốc chống loạn nhịp, sốc điện chuyển nhịp về nhịp xoang, triệt đốt rung nhĩ qua đường ống thông.
Ở người mắc bệnh nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Đột quỵ não ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy việc dự phòng đột quỵ bằng các thuốc kháng đông; là mục tiêu nền tảng trong điều trị rung nhĩ. Lựa chọn thuốc chống đông cần tính toán kỹ lưỡng lợi ích; cũng như nguy cơ dựa trên tuổi, bệnh lý kèm theo như suy tim; tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử đột qụy.
Có 2 nhóm thuốc chống đông gồm thuốc kháng Vitamin K và thuốc chống đông đường uống thế hệ mới (ức chế IIa , ức chế Xa). Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ tim mạch và các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu về nguy cơ đột quỵ. Nếu cần thiết phải dùng thuốc chống đông, người bệnh nên thảo luận cùng bác sĩ để hiểu rõ lợi ích cũng như nguy cơ và chi phí của loại thuốc chống đông qua đó quyết định lựa chọn thuốc điều trị tốt nhất cho mình.
Rung nhĩ có thể được kiểm soát nếu
- Dùng khẩu phần ăn có đủ dinh dưỡng cho tim (ít béo và cholesterol);
- Kiểm soát cân nặng hợp lý;
- Hạn chế căng thẳng và stress;
- Tập thể dục để tim được vận động;
- Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời kiểm tra nồng độ máu thường xuyên.
Xem thêm những bài viết cùng chuyên mục tại: Sức khỏe